Cơ khí trọng điểm vẫn khó được hưởng chính sách ưu đãi

Lượt xem : 612

Từ cách đây hơn 10 năm, nhiều chính sách ưu đãi đã được ban hành nhằm tạo ra cú hích cho ngành cơ khí trong nước cũng như giúp phát triển các sản phẩm cơ khí trọng điểm. Tuy nhiên, nhiều mục tiêu của ngành cơ khí Việt Nam vẫn “giậm chân tại chỗ”, thậm chí thụt lùi do nhiều chính sách ưu đãi đã không đến được với doanh nghiệp (DN).

Ngành cơ khí vẫn chậm phát triển

 Tại Hội thảo "Tháo gỡ khó khăn, bất cập cho các dự án cơ khí trọng điểm," do Bộ Công Thương phối hợp với Hiệp hội Cơ khí Việt Nam tổ chức ngày 18/12, các ý kiến thống nhất, chủ trương, chính sách ưu đãi hỗ trợ của Chính phủ để nhằm đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp nặng thông qua chương trình cơ khí trọng điểm là hết sức đúng đắn.

 Mục tiêu của chiến lược phát triển ngành cơ khí là đến năm 2010 ngành cơ khí đáp ứng 45 - 50% nhu cầu sản phẩm cơ khí của cả nước, trong đó xuất khẩu đạt 30% giá trị sản lượng. Tuy nhiên, đến nay, ngành cơ khí mới đáp ứng được 34,5% nhu cầu sản phẩm cơ khí trong nước. Công nghệ chế tạo cơ khí nội địa về tổng thể vẫn đơn giản, lạc hậu, trình độ tụt hậu khoảng 2 - 3 thế hệ so với khu vực.

 Ông Nguyễn Văn Thụ, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Cơ khí Việt Nam (VAMI) cho rằng, các chính sách ưu đãi phát triển dành cho ngành cơ khí trọng điểm vẫn còn nhiều bất cập: “Chính phủ cũng ban hành nhiều nghị quyết, nhiều cơ chế chính sách cho phát triển cơ khí, song ách tắc ở khâu thực hiện nên DN cơ khí không hưởng được các cơ chế chính sách ấy”.

 Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 10/2009/QĐ-TTg về cơ chế hỗ trợ phát triển sản xuất sản phẩm cơ khí trọng điểm và Danh mục các sản phẩm cơ khí trọng điểm. Theo đó, 11/24 dự án được hưởng các chính sách hỗ trợ với tổng vốn đầu tư là 9.978,18 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Thụ, trong số 11 dự án, chỉ có 3 dự án đã được Ngân hàng Phát triển Việt Nam đồng ý cho ký Hợp đồng tín dụng vay vốn. Tổng Hợp đồng tín dụng đã ký cho 3 dự án này là 374 tỷ đồng. Giá trị giải ngân đến thời điểm này mới đạt 60,73 tỷ đồng, tương đương 16% tổng hợp đồng tín dụng đã ký.

 “Bên cạnh đó, lãi suất tín dụng đầu tư cho các dự án này vẫn ở mức cao, khoảng 10,5% , vì vậy thực tế không hấp dẫn các nhà đầu tư vào lĩnh vực cơ khí, cũng như có chiến lược phát triển lâu dài. Một số loại sản phẩm cơ khí chưa được chú trọng, như các sản phẩm cơ khí phục vụ sản xuất nông nghiệp, chế biến thủy, hải sản... một số dự án thuộc Chương trình nhưng không thu hút được các nhà đầu tư”, ông Thụ cho biết thêm.

 Sửa đổi, bổ sung cơ chế ưu đãi phù hợp

 Cũng theo VAMI, sau khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) một loạt chính sách bất lợi cho ngành cơ khí đã nảy sinh. Chẳng hạn như Luật Đấu thầu năm 2006 không còn quy định chỉ định thầu nhiều dự án đầu tư công nghiệp của đất nước lọt vào tay nhà thầu Trung Quốc, đầu ra cho cơ khí không có.

 Ông Ryu Hang Ha, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Công nghiệp nặng Doosan Việt Nam (Doosan Vina) cho biết thêm: Hầu hết các dự án quy mô lớn đang được áp dụng giao thầu theo hình thức chìa khóa trao tay dẫn đến các DN trong nước hầu như không có cơ hội tham gia cung cấp các thiết bị chính. Bên cạnh đó, nhiều chủ đầu tư căn cứ vào Luật Đấu thầu để tổ chức đấu thầu quốc tế và nhập khẩu các sản phẩm ngay cả trong nước đang sản xuất được.

 Chính từ thực tế này, nhiều ý kiến cho rằng, khi Chính phủ cấp phép cho các dự án quy mô lớn nên đưa các điều khoản mang tính nghĩa vụ bắt buộc về tỷ lệ nội địa hóa phần nguyên vật tư chính và phần xây dựng hoặc khi các DN có tỷ lệ nội địa hóa cao hơn tham gia đấu thầu sẽ được áp dụng điểm ưu tiên, như vậy sẽ tạo điều kiện cho các DN trong nước tham gia đấu thầu và khả năng trúng thầu được cao hơn. Hoặc, có thể áp thuế nhập khẩu cao nếu DN nhập khẩu sản phẩm trong nước sản xuất được. Thậm chí, các dự án từ ngân sách Nhà nước, cần ưu tiên đấu thầu trong nước trước để kích cầu cho các sản phẩm cơ khí trong nước.

 Ông Phan Tử Giang, Tổng Giám đốc Công ty CP Chế tạo giàn khoan Dầu khí (PV Shipyard) cũng cho biết: Mặc dù, các dự án của PV Shipyard đều đầy đủ điều kiện thuộc diện dự án cơ khí trọng điểm nhưng trong hơn 5 năm qua PV Shipyard đều khó tận dụng được các chính sách ưu đãi. Trước hết là chính sách ưu đãi tín dụng vừa khó tiếp cận mà lãi suất cũng không linh hoạt. Các dự án giàn khoan cần khoản tín dụng lớn lên tới hàng nghìn tỷ đồng nhưng do các chính sách ưu đãi tín dụng không cụ thể và khi đi vay vốn thì bị ngân hàng từ chối vì số tiền quá lớn. Có dự án, PV Shipyard đã phải trả lãi suất 21% trong năm 2010 với số tiền 800 tỷ nên áp lực tín dụng là rất lớn.

 Các dự án cơ khí trọng điểm đòi hỏi nguồn vốn lớn và thời gian đầu tư kéo dài. Do đó, các DN đề nghị, áp dụng cơ chế ưu đãi về tài chính, vay lãi suất ưu đãi đối với chủ đầu tư ưu tiên sử dụng sản phẩm cơ khí trọng điểm. Theo Hiệp hội Doanh nghiệp Cơ khí Việt Nam, chính sách tín dụng đầu tư nên cho vay đầu tư cơ khí trọng điểm là 3%. Nếu vay thương mại thì Nhà nước bù chênh lệch lãi suất… thì mới có thể thu hút đầu tư vào lĩnh vực này.

 Đối với các chính sách về thuế, các DN cơ khí đề xuất, các vật tư, thiết bị nhập khẩu tạo tài sản cố định để sản xuất sản phẩm cơ khí trọng điểm được áp dụng mức thuế nhập khẩu ưu đãi 0%. Bên cạnh đó, cần miễn hoặc giảm tối thiểu 50% thuế nhập khẩu nguyên liệu, linh kiện, phụ tùng để sản xuất sản phẩm cơ khí trọng điểm...



Bài viết cùng chủ đề